Dinh dưỡng được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến tuổi thọ của bạn, bên cạnh các yếu tố như thường xuyên tập thể dục thể thao hay khám sức khoẻ tổng quát định kỳ. Vậy chế độ ăn như thế nào là khoa học và đâu là những loại thực phẩm mà bạn nên ăn và nên tránh? Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu nhé!
Chế độ ăn thế nào là khoa học?
Một chế độ ăn khoa học sẽ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Dựa vào đó, tháp dinh dưỡng lành mạnh (Healthy Eating Pyramid) cho chúng ta một góc nhìn trực quan về các loại thực phẩm nên bổ sung hằng ngày để duy trì sức khỏe.
Hạn chế thịt đỏ và bơ sữa
Thịt đỏ là loại thịt có nguồn gốc từ các loại gia súc như lợn, cừu và bò. Trong khi đó, bơ là một sản phẩm từ sữa được tạo ra nhờ quá trình tách chất béo rắn ra khỏi sữa. Đây là những thực phẩm bạn nên hạn chế trong bữa ăn hàng ngày vì chứa nhiều chất béo bão hoà.
Hạn chế tinh bột đã qua xử lý
Tinh bột trải qua quá trình tinh chế sẽ bị mất đi các chất dinh dưỡng. Đồng thời, khi được hấp thụ vào cơ thể thì loại tinh bột này cũng sẽ được tiêu hoá nhanh hơn, dẫn đến tình trạng nhanh đói, do đó làm tăng nguy cơ bị thừa cân. Một số loại tinh bột tinh chế mà bạn nên hạn chế ăn gồm bột mì, gạo trắng, ngũ cốc ăn sáng, mì pasta,…
Hạn chế thực phẩm có nhiều đường và muối
Thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, giăm bông, xúc xích, phô mai,… thường có hàm lượng muối cao. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường có trong kẹo, bánh ngọt và nước ngọt.
Bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa
Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung sữa và các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa động vật như phô mai, kem, sữa chua, sữa đặc,… Cần lưu ý rằng, các sản phẩm trên nên được tiêu thụ ở mức vừa phải để đảm bảo sức khỏe.
Bổ sung cá, thịt gia cầm và trứng
Việc bổ sung dinh dưỡng từ cá, hải, thịt gia cầm và trứng là cần thiết để tạo nên chế độ ăn khoa học. Các loại thực phẩm này còn có tên gọi khác là thịt trắng.
Bạn nên cân nhắc bổ sung các loại thịt này vào trong bữa ăn của mình:
Thịt gà
Thịt vịt
Thịt ngỗng
Cá thịt trắng
Hải sản có vỏ
Tăng cường rau củ và trái cây
Rau củ và trái cây là những thành phần không thể thiếu để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhìn chung, trái cây, rau củ vô cùng phong phú và đa dạng, chúng có thể được ăn sống hoặc nấu chín.
Một mẹo đối với các thực phẩm rau củ đó là bổ sung rau củ với nhiều màu sắc khác nhau. Đây được gọi là chế độ ăn “cầu vồng”, giúp đa dạng các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể.
Thay thế sử dụng các loại dầu tốt cho sức khoẻ
Những loại dầu tốt cho sức khỏe thường ở thể lỏng ở nhiệt độ phòng và có nguồn gốc từ thực vật. Dầu olive là một trong những loại dầu được khuyên dùng trong chế độ ăn uống lành mạnh, ngoài ra một số loại dầu có nguồn gốc thực vật khác bao gồm dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu bơ, dầu mè,…
Sử dụng nguồn tinh bột nguyên cám
Một số loại tinh bột và ngũ cốc nguyên cám mà bạn được khuyên dùng trong thực đơn ăn uống bao gồm gạo lức, bánh mì nguyên cám, mì pasta nguyên cám, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch,… Những món ăn này sẽ giúp bạn no lâu, giảm thiểu nguy cơ bị thừa cân.
Uống rượu bia có chừng mực
Để giảm thiểu những tác hại do bia rượu gây ra, bạn nên giới hạn lượng cồn tiêu thụ trong ngày và chỉ sử dụng bia rượu khi đủ tuổi quy định. Việc uống quá nhiều rượu bia có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh lý như về gan, bệnh lý về tim mạch hay bệnh lý về thần kinh.
Bổ sung thực phẩm chức năng chứa vitamin
Bên cạnh các loại thực phẩm hằng ngày, bạn còn có thể bổ sung thêm vitamin bằng cách dùng các thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng cung cấp các loại vitamin thiết yếu như vitamin A, vitamin C, vitamin D,… Mặc dù có lợi cho sức khỏe nhưng tốt nhất bạn vẫn nên cung cấp vitamin cho cơ thể bằng các thực phẩm có trong bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn trước khi sử dụng thực phẩm chức năng.
Uống đủ nước
Nước chiếm hơn hai phần ba trọng lượng của cơ thể, chính vì vậy việc cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể là vô cùng quan trọng. Người trưởng thành được khuyến nghị nên uống khoảng 2.7 – 3.7 lít nước mỗi ngày.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lượng nước trên chỉ mang tính chất tham khảo và còn tùy thuộc vào cân nặng, độ tuổi hay tần suất hoạt động thể chất của mỗi người.
Tập thể dục thể thao và kiểm soát cân nặng
Việc xây dựng một lối sống lành mạnh bằng cách thường xuyên vận động cũng quan trọng không kém một chế độ ăn khoa học. Một số hoạt động thể chất phổ biến để bạn có thể cân nhắc đó là tập gym, đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, đá bóng,…
Những thực phẩm có lợi cho sức khoẻ
Một chế độ ăn lành mạnh giúp hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng cũng như chống lại một số bệnh không lây nhiễm (NCD) như đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Mỗi người chúng ta sẽ có một chế độ ăn cân bằng, đa dạng và lành mạnh khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính, lối sống, văn hóa, nguồn thực phẩm địa phương sẵn có,… Dưới đây là một số loại thực phẩm có lợi cho sức khoẻ nên có trong bữa ăn hằng ngày của bạn.
Tinh bột nguyên cám
Tinh bột nên chiếm khoảng một phần ba khẩu phần ăn của bạn, đặc biệt hãy chọn các loại tinh bột nguyên cám, ví dụ như gạo lức, khoai tây còn vỏ, mì pasta nguyên cám,… Những thực phẩm này chứa nhiều chất xơ hơn so với các loại tinh bột trắng nên có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Trái cây và rau củ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc ăn khoảng 400 gram trái cây và rau củ mỗi ngày sẽ giúp đảm bảo lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm (NCDs).
Bạn có thể sử dụng trái cây và rau củ ở dạng tươi, đông lạnh, sấy khô, đóng hộp hoặc làm sinh tố. Đồng thời, bạn nên ăn nhiều loại rau củ khác nhau và thay đổi thực đơn theo mùa.
Chất béo không bão hòa
Chất béo được chia làm hai loại là chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa. Tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm gia tăng lượng cholesterol trong máu, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Chính vì vậy, hãy cắt giảm lượng chất béo bão hòa thường có trong mỡ động vật, bơ, xúc xích, bánh và đồ ăn chế biến sẵn,… Thay vào đó, bạn ưu tiên sử dụng các thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như dầu thực vật, bơ, các loại hạt hay là các loại cá giàu axit béo.
Thịt trắng
Thịt trắng là một cách gọi phổ biến cho các loại thịt như gia cầm và cá, dựa trên hàm lượng myoglobin có trong thịt. Thịt trắng được cho là có hàm lượng chất béo bão hoà thấp hơn. Đặc biệt, ở cá có chứa nhiều axit béo không bão hoà như omega-3, giúp giảm nồng độ triglycerides và LDL cholesterol có trong máu.
Hạt
Các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt macca, hạt óc chó, hạt phỉ, hạt bồ đào,… được cho là có lợi cho tim mạch. Chúng chứa nhiều axit béo không bão hòa và các chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế ăn quá nhiều các loại hạt vì chúng chứa khá nhiều calo. Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng hạt đã qua chế biến với muối hoặc đường.
Những thực phẩm có hại cho sức khoẻ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường) và thậm chí là ung thư. Vì vậy, việc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm này là cần thiết. Một số loại thực phẩm mà bạn không nên dùng nhiều đó là thịt đỏ, đường, muối, thực phẩm chế biến sẵn,…
Thịt đỏ
Thịt đỏ là loại thịt có nguồn gốc từ các loại gia súc như lợn, cừu và bò. Thịt đỏ thường chứa nhiều chất béo bão hòa, chính vì vậy việc ăn nhiều thịt đỏ có thể khiến lượng cholesterol trong máu tăng cao và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ ung thư ruột (bowel cancer).
Chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa là loại chất béo không tốt cho sức khỏe. Chúng thường ở thể rắn ở nhiệt độ phòng. Các loại thực phẩm như bơ, dầu cọ, dầu dừa, phô mai và thịt đỏ chứa một lượng lớn chất béo bão hòa. Việc tiêu thụ quá mức chất béo bão hòa có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, thừa cân và các vấn đề sức khỏe khác.
Tinh bột đã qua xử lý
Một số loại tinh bột đã qua xử lý mà bạn nên hạn chế ăn đó là bánh mì trắng, ngô, khoai tây bỏ vỏ, mì pasta,… Việc tiêu thụ nhiều tinh bột đã qua xử lý khiến cơ thể dễ bị tăng cân hoặc mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp,… Thay vào đó, bạn nên chọn lựa các loại thực phẩm nguyên cám như gạo lức, bánh mì nguyên cám, mì pasta nguyên cám,…
Thực phẩm chứa nhiều đường
Các loại đường từ đường trắng, đường ngô, syrup ngô hay mật ong là các chất làm ngọt, thường được sử dụng trong các các món bánh, tráng miệng. Hầu như các sản phẩm này chỉ cung cấp năng lượng. Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ ảnh hưởng không tốt đến đường huyết trong cơ thể vì khiến đường huyết lên xuống thất thường. Ngoài ra, các thực phẩm và thức uống chứa nhiều đường còn làm tăng nguy cơ thừa cân và sâu răng.
Thực phẩm chứa nhiều muối
Mặc dù cơ thể chúng ta cần một lượng muối nhất định để hoạt động bình thường nhưng nếu tiêu thụ muối quá mức sẽ gia tăng nguy cơ cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch và thâm chí là đột quỵ.
Thực phẩm chế biến sẵn
Các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm sẽ phần nào bị thay đổi trong quá trình chế biến như đông lạnh, đóng hộp, nướng hoặc sấy khô. Đa số các thực phẩm chế biến sẵn sẽ chứa hàm lượng đường, muối và chất béo cao ngất ngưỡng, đó đó chúng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dùng.
Rượu bia
Việc uống bia rượu quá nhiều, quá thường xuyên sẽ có thể gây nên một số vấn đề sức khỏe như ung thư gan, ung thư thực quản, viêm tụy, đột tử, cao huyết áp, suy tim,…
Thực phẩm như thế nào là sạch?
Thực phẩm sạch và an toàn cho sức khỏe cần phải đảm bảo không bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, virus, độc tố hay tồn dư các chất hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm vẫn có nguy cơ bị nhiễm bẩn trong quá trình sản suất và phân phối. Do đó, việc tuân thủ một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như GAP, GMP, ISO 22000, HACCP, ISF,… là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Dưới đây là một số tiêu chí chung để đánh giá thực phẩm như thế nào là sạch.
Thực phẩm được vận chuyển và bảo quản đúng cách
Việc bảo quản đúng cách giúp hạn chế sự phát triển của vi sinh vật và tình trạng thối rữa. Ngoài ra, nó còn giúp bảo vệ thực phẩm khỏi các tác nhân khác như chất bẩn, côn trùng và ẩm mốc. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển cũng được yêu cầu phải giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp để tránh sự phát triển quá mức của vi sinh vật, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Tuỳ vào từng loại thực phẩm khác nhau sẽ có cách thức bảo quản khác nhau.
Thực phẩm không chứa các hợp chất cấm vượt mức cho phép
Thực phẩm được bán ra trên thị trường cần tuân thủ các quy định về nồng độ các hợp chất chất phụ gia hoặc hoá chất có trong thực phẩm. Đặc biệt các hợp chất này cần được kiểm soát từ khâu chăn nuôi cho đến chế biến, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Thực phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Lưu ý: Thuật ngữ thuốc bảo vệ thực vật dùng để chỉ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ nấm mốc và một số loại khác như thuốc điều hoà sinh trưởng, thuốc diệt các loài gặm nhấm hay thuốc diệt nhuyễn thể.
Thuốc bảo vệ thực vật giúp nâng cao năng suất và sản lượng mùa vụ nhưng đồng thời cũng có những tác động không tốt đối với sức khỏe con người nếu vẫn còn tàn dư trên thực phẩm. Từ phía người nông dân cần phải tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để đảm bảo khi đến tay người tiêu dùng thì thực phẩm không còn dư lượng thuốc.
Thực phẩm không nhiễm khuẩn gây hại cho sức khoẻ
Một số vi sinh vật có trong thực phẩm và gây hại cho sức khỏe người dùng bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm, prion và các động vật nguyên sinh.
Để làm chậm sự phát triển của vi sinh vật cũng như giảm thiểu các nguy cơ đến sức khỏe, các nhà sản xuất và phân phối cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm thông qua việc xử lý thực phẩm đúng cách, thực hiện các quy trình vệ sinh nghiêm ngặt, kiểm soát thời gian và nhiệt độ bảo quản của thực phẩm.
Thực phẩm không biến đổi gene (GMO)
Hiện nay có rất nhiều tranh cãi xung quanh tác động của thực phẩm biến đổi gene (GMO Foods) đối với môi trường và sức khỏe con người như dị ứng hoặc ung thư. Mặc dù những nghiên cứu gần đây cho thấy ít rủi ro liên quan đến việc sử dụng thực phẩm biến đổi gene, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu dài hạn cho vấn đề này.
Thói quen ăn uống như thế nào là khoa học?
Việc hình thành các thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học cần nhiều thời gian và công sức. Điều quan trọng là chúng ta nhận biết được những yếu tố chưa lành mạnh trong thói quen ăn uống hiện tại, từ đó lên kế hoạch để thay thế những thói quen ăn uống không lành mạnh bằng những thói quen lành mạnh hơn và cố gắng duy trì các thói quen tốt này.
Ăn đa đạng thực phẩm
Ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp duy trì sức khỏe và chống lại một số bệnh mãn tính. Một chế độ ăn đa dạng và cân đối nghĩa là ăn đầy đủ các loại thực phẩm ở 5 nhóm thực phẩm chính trong bữa ăn hằng ngày.
5 nhóm thực phẩm chính bao gồm:
Rau củ và các loại đậu
Trái cây
Thịt gia súc (thịt nạc), gia cầm, cá, trứng, đậu phụ và các loại hạt
Ngũ cốc (khuyên dùng ngũ cốc nguyên hạt)
Sữa và các sản phẩm từ sữa (các sản phẩm ít béo)
Ăn chín, uống sôi
Nấu chín hoặc đun sôi là phương pháp thường dùng để tiêu diệt các mầm bệnh có trong thức ăn, đồ uống. Các mầm bệnh này có thể là vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng.
Chỉ ăn khi thực sự đói
Bạn chỉ nên ăn khi cảm thấy thực sự đói để giúp cơ thể nạp lại năng lượng. Trong trường hợp cảm thấy đói do chán chường hoặc cảm giác thèm ăn do tâm lý bị căng thẳng, thiếu ngủ,…, bạn nên tránh xa các đồ ăn vặt, thực hành ăn uống tỉnh thức và lập kế hoạch ăn uống trong ngày.
Nhai kỹ thức ăn
Thức ăn phải được nhai kỹ để có thể được tiêu hóa dễ dàng khi xuống đến dạ dày. Việc nhai không kỹ có thể khiến cơ thể không tiết ra đủ enzyme để tiêu hóa thức ăn, điều này có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
Không ăn quá no
Khi ăn quá no diễn ra thường xuyên có thể dẫn đến tăng cân hoặc gây ra một số các rối loạn ăn uống. Ăn quá nhanh hoặc vừa ăn vừa làm một hoạt động khác có thể dẫn đến việc ăn no quá mức.
Không ăn ít nhất trước khi ngủ 3 giờ
Bạn nên ngừng ăn khoảng 3 giờ trước khi đi ngủ. Việc này giúp cho cơ thể có đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn bạn vừa nạp vào trước đó và không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Ăn uống có kèm vận động
Bạn nên hạn chế vận động khi đang ăn uống. Điều này giúp cơ thể tập trung vào việc ăn uống, giúp giảm thiểu tình trạng ăn quá nhanh hoặc ăn no quá mức.
Cần nạp bao nhiêu calories một ngày là đủ?
Calories là thước đo năng lượng có trong thực phẩm. Nhu cầu calories của mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như giới tính, chiều cao, cân nặng, độ tuổi, mức độ hoạt động thể chất,… Nhìn chung, nam giới cần nhiều năng lượng hơn nữ giới, người hoạt động thể chất nhiều cũng cần nhiều năng lượng hơn người ít vận động, người trẻ sẽ cần nhiều năng lượng hơn người già. Dưới đây là bảng nhu cầu calories cho nam và nữ theo từng độ tuổi, tham khảo từ Văn phòng Phòng ngừa bệnh tật và Khuyến nghị sức khỏe của Mỹ.
Bí mật sống thọ của người Nhật dưới góc nhìn dinh dưỡng
Tuổi thọ trung bình của người Nhật là 84,8 tuổi, là mức cao nhất trên toàn thế giới. Ngoài các yếu tố như hệ thống y tế tốt thì không thể không kể đến chế độ dinh dưỡng của người Nhật. Vậy người Nhật ăn gì để có tuổi thọ trung bình cao như vậy?
Ăn nhiều cá và hạn chế thịt đỏ
Chế độ ăn uống của người Nhật chứa ít thịt đỏ, sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò. Điều này giúp cho người Nhật tiêu thụ nhiều chất béo không bão hòa thay vì chất béo bão hòa. Do đó, các nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cũng được giảm.
Một số món ăn truyền thống của người Nhật có chứa cá như:
Sashimi
Sushi
Tekkadon
Temaki
Himono
Đậu nành
Đậu nành là một trong những món ăn phổ biến ở các quốc gia Châu Á, trong đó có Nhật Bản. Các món ăn từ đậu nành ở Nhật Bản thường được nấu chín hoặc lên men trước khi sử dụng.
Một số món ăn truyền thống của người Nhật có chứa đậu nành như:
Natto
Yuba
Miso
Kinako
Ganmodoki
Tofu (Tàu hủ)
Trong đậu nành có chứa nhiều isoflavone. Việc ăn đậu nành có chứa nhiều isoflavone sẽ giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý về ung thư như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, nó còn có tác dụng trong việc phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Ngoài ra, đậu nành cũng là nguồn protein thực vật dồi dào, từ đó giúp giảm lượng thịt phải tiêu thụ hằng ngày. Do đó, đây có thể là nguyên nhân giúp người nhận ít phải tiêu thụ chất béo bão hòa, góp phần gia tăng tuổi thọ trung bình của người Nhật.
Uống trà xanh ít đường hoặc không có đường
Người Nhật Bản có xu hướng uống trà xanh nhưng ít sử dụng đường. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ thừa cân và béo phì ở người Nhật, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến béo ph như bệnh tim thiếu máu cục bộ hay ung thư vú.
Một số thực uống truyền thống của người Nhật có chứa trà xanh như:
Sencha
Matcha
Gyokuro
Hojicha
Genmaicha
Chế độ ăn đa dạng với nhiều loại thực phẩm
Chế độ ăn đa dạng thực phẩm, từ hạt, rau xanh, trái cây, cá, thịt và các sản phẩm từ sữa cũng là một yếu tố cần chú ý trong chế độ ăn của người Nhật. Chế độ độ ăn đa dạng giúp đảm bảo dung nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng và khoáng chất. Ngoài ra, tại Nhật Bản, chính phủ cũng khuyến khích người dân phân chia thực đơn ăn như thế nào để hợp lý dựa trên Hướng dẫn thực phẩm dạng con quay của Nhật Bản (Japanese Food Guide Spinning Top).
Thói quen và chế độ ăn theo từng độ tuổi theo khuyến cáo
Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, việc duy trì thói quen ăn uống khoa học là việc cần thực hiện. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi thì bạn nên chú ý đến một số thói quen ăn uống nhất định để duy trì tình trạng sức khoẻ ổn định.
Lưu ý, các khuyến cáo dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, tuỳ vào thể trạng của bạn.
Dưới đây là một số khuyến cáo về thói quen và chế độ ăn theo từng độ tuổi:
Độ tuổi dưới 18 tuổi: Chú ý bổ sung thực phẩm chứa nhiều canxi, tránh lạm dụng bánh kẹo ngọt, đồng thời đa dạng hoá bữa ăn hằng ngày.
Độ tuổi từ 18 – 30 tuổi: Hạn chế uống rượu bia, đồ ăn chế biến sẵn. Bổ sung nhiều rau củ quả vào trong thực đơn hằng ngày của bạn.
Độ tuổi từ 30 – 40 tuổi: Cần chú ý đến lượng thực ăn mà bạn nạp vào hằng ngày, tránh dư thừa calo.
Độ tuổi từ 40 tuổi trở lên: Cần chú ý hơn về thực đơn hằng ngày của bạn, đồng thời hạn chế sử dụng nhiều muối hay đường trong quá trình nấu nướng. Kết hợp với việc tập thể dục thể thao thường xuyên.
Ngoài chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao, bạn nên thiết lập thói quen khám sức khoẻ tổng quát định kỳ, giúp phát hiện sớm một số bệnh lý nguy hiểm. Đồng thời, về lâu dài thì việc khám sức khoẻ tổng quát còn giúp bạn tiết kiệm được chi phí điều trị cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.