Nhận Diện Ngay 5 Dấu Hiệu Của Đột Quỵ Để Kịp Thời Ứng Phó

Theo WHO, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phòng ngừa đột quỵ nếu có một lối sống lành mạnh, tuân thủ các lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cũng như kiểm tra sức khỏe đều đặn.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một tình trạng nguy hiểm xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn, có thể do tắc nghẽn mạch máu hoặc do mạch máu đến não bị vỡ. Khi não không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết do thiếu oxy.

1️⃣Các Dấu Hiệu Của Đột Quỵ

Đột quỵ có thể xảy ra rất nhanh chóng và cần can thiệp y tế kịp thời. Hãy lưu ý các dấu hiệu sau và gọi cấp cứu ngay lập tức khi các triệu chứng của một cơn đột quỵ xuất hiện:

  • Gặp khó khăn trong việc nói và hiểu người khác: Người bị đột quỵ có thể nói lắp, nói năng lẫn lộn hoặc không hiểu người khác đang nói gì.
  • Tê, yếu hoặc liệt ở mặt, tay chân: Tình trạng này thường ảnh hưởng một bên cơ thể. Chẳng hạn, một bên miệng của người bệnh bị xệ xuống khi cố gắng cười, hoặc một cánh tay rơi xuống khi bệnh nhân nâng cả hai tay lên qua đầu.
  • Giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt: Mắt đột nhiên bị mờ hoặc tối sầm lại, nhìn không rõ.
  • Đau đầu: Đau đầu đột ngột, dữ dội và có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
  • Khó khăn khi đi lại: Người bị đột quỵ có thể bị vấp ngã, mất cân bằng hoặc không phối hợp được các hoạt động.

2️⃣Nguyên Nhân Của Đột Quỵ

Có 02 nguyên nhân chính gây đột quỵ, bao gồm:

Đột quỵ do thiếu máu

Xảy ra khi chất béo, cục máu đông hoặc các mảnh vụn dần tích tụ và làm tắc nghẽn lưu thông máu trong não. Đây là loại đột quỵ vô cùng phổ biến, chiếm đến 80% các ca đột quỵ.

Đột quỵ do xuất huyết

Xảy ra khi động mạch não bị rò rỉ hoặc vỡ bên trong não. Một số yếu tố bao gồm:

  • Tình trạng cao huyết áp không được kiểm soát.
  • Sử dụng quá liều thuốc chống đông máu.
  • Phình mạch máu.
  • Tai nạn giao thông.
  • Bệnh mạch máu dạng bột (CAA).
  • Biến chứng của đột quỵ do thiếu máu não.

Ngoài ra, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (viết tắt là TIA), còn được gọi là đột quỵ nhỏ: Là một tình trạng có các triệu chứng tương tự như một cơn đột quỵ nhưng chỉ kéo dài tạm thời trong vài phút. Nguyên nhân là do lưu lượng máu đến não bị giảm hoặc bị chặn lại bởi cục máu đông hoặc chất béo tích tụ. Khi bị TIA, bệnh nhân có nguy cơ cao bị đột quỵ trong tương lai.

3️⃣Các Yếu Tố Nguy Cơ Dẫn Đến Đột Quỵ

Có 3 yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ:

Yếu tố nguy cơ do lối sống

  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Ít vận động thể chất.
  • Lạm dụng bia rượu.
  • Sử dụng các loại chất kích thích.

Yếu tố nguy cơ do tình trạng sức khỏe

  • Huyết áp cao.
  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
  • Cholesterol cao.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Nhiễm COVID-19.
  • Bệnh tim mạch, chẳng hạn như suy tim, bệnh tim bẩm sinh, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, rung nhĩ,…
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị đột quỵ, đau tim hoặc TIA.

Các yếu tố nguy cơ khác

  • Tuổi tác: Những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người trẻ tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ thường bị đột quỵ ở độ tuổi lớn hơn và có khả năng tử vong do đột quỵ cao hơn so với nam giới.
  • Hormone: Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormone (chẳng hạn như liệu pháp estrogen) có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

4️⃣Phòng Ngừa Đột Quỵ Như Thế Nào?

Những thay đổi nhỏ về lối sống không những có thể phòng ngừa mà còn giúp ngăn ngừa đột quỵ tái phát, chẳng hạn như:

  • Kiểm soát tình trạng cao huyết áp
  • Giảm tiêu thụ cholesterol và chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Kiểm soát tình trạng đái tháo đường
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Có chế độ ăn uống giàu trái cây, rau củ quả
  • Tập thể dục đều đặn
  • Uống bia rượu ở mức vừa phải
  • Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Kết luận

Đột quỵ là một tình trạng y tế vô cùng nguy hiểm và cần được can thiệp y tế ngay lập tức. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Mặc dù vậy, đột quỵ vẫn có thể được phòng ngừa nếu bạn thực hiện thay đổi thói quen sinh hoạt cùng với chế độ ăn khoa học, hoạt động thể chất đều đặn và theo dõi tình hình sức khỏe thường xuyên với các chuyên gia y tế.